Chi tiết bài viết

ÔNG " ĐỖ" ĐỊA LONG

       

                                             Ông "Đỗ" Địa Long

                                                                                                                                                             THÙY LINH

 

Nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm thành công phân bón vôi lân Địa Long - một sản phẩm mang tính đột phá trong nông nghiệp, những năm qua Kỹ sư Dương Hùng Đỗ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản và Xây dựng miền Nam đã được bà con nông dân từ đồng bằng đến cao nguyên mến mộ gắn cho biệt danh: Ông Đỗ “Địa Long”.

 

Cải tạo đất phèn, tăng cường sức phát triển cho cây lúa và cây ăn trái

Tôi biết ông Dương Hùng Đỗ từ hồi còn ở khu phố nghèo Sà Ngách thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Trước năm 2010, ông còn là một cơ sở nhỏ cách Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 không xa lắm. Bấy giờ, ông tập trung vào khai thác khoáng sản rồi từ từ ông nghiên cứu thấy nguồn khoáng sản dồi dào lượng vi sinh và từ đó ông mới chuyển qua lĩnh vực sản xuất phân bón.

                                         Ông Dương Hùng Đỗ

Là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng ngành địa chất học, lại đam mê tìm tòi nghiên cứu về đất, đá, thổ nhưỡng nên ông am hiểu đặc tính của các thành phần có trong  đất, đá. Vì vậy mà ông  nảy ra ý tưởng “biến đá thành phân” từ các khoáng chất có trong các mỏ núi đá vôi tự nhiên nổi tiếng ở Kiên Giang và kiên trì thực hiện đến cùng, bất chấp những lời can ngăn từ người thân cũng như bạn bè. Mỗi lần gặp ông là lại nghe ông đưa ra hàng loạt ý tưởng táo bạo xoay quanh vấn đề phát triển nông nghiệp. Nếu mới tiếp xúc lần đầu hoặc chỉ nghe ông nói một đôi lần, ít ai tin được rằng những ý tưởng, dự định xa vời của ông lại có thể trở thành hiện thực.

Bẵng đi một thời gian, vụ lúa Đông Xuân 2011- 2012, ông điện thoại mời chúng tôi xuống vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc huyện Tri Tôn (An Giang) để xem các điểm ông thử nghiệm bón phân Địa Long cho cây lúa trên đất phèn. Nhận lời mời, chúng tôi xuống tận nơi và lội ra các điểm trình diễn cùng với cả ông Lê Hữu Hùng - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và một số bà con nông dân chủ ruộng. Còn nhớ hôm đó ông Lý Văn Chín - Phó trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, An Giang đánh giá ngay tại ruộng lúa 20 ha: “Lần đầu thử nghiệm bón phân Địa Long cho cây lúa cho thấy Địa Long đã làm cho cây lúa phục hồi xanh tươi hơn so với ruộng đối chứng. Đặc biệt, chi phí dùng phân Địa Long thấp hơn so với bón các loại phân khác bán trên thị trường. Đáng nói là vùng đất này trước đây trồng khoai mì (sắn) nhưng cũng không sống nổi do bị phèn nặng”. Còn gì phấn chấn, vui mừng hơn khi được nghe đánh giá như vậy về phân bón Địa Long!

Sau những điểm thử nghiệm ở “rốn phèn” Tứ giác Long Xuyên, ông Đỗ đưa sản phẩm phân bón Địa Long qua vùng U Minh Thượng, rồi đến huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Đến những vùng đất khác nhau là để thử nghiệm, phân tích xem nồng độ phèn và sản phẩm phân bón Địa Long đã phù hợp cho cải tạo đất chưa. Và điều rất đáng mừng là ở vùng đất nào, sản phẩm cũng bộc lộ được nhiều ưu điểm.

Có niềm tin vào sản phẩm do chính chất xám của mình tạo ra đã giúp ông thêm sức mạnh để hướng về phía trước. Ông lại đưa sản phẩm qua các tỉnh Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, và lên miền Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai. Ngoài thử nghiệm trên đất trồng lúa, còn thử nghiệm ở cây ăn trái và rau màu. Trong các cuộc hội thảo, sản phẩm phân bón Địa Long được các nhà khoa học đánh giá rất cao, nhất là GS.TS Võ Tòng Xuân và nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng là người đã trực tiếp sử dụng để chăm bón vườn cây nhà mình. Sản phẩm phân bón Địa Long cũng đang được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sử dụng cho các loại cây trồng trong vườn của mình và được ông đánh giá rất cao. Đặc biệt trong những buổi hội thảo, hội nghị đều được nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhắc đến và ngợi khen, từ đó khuyến khích ông càng thêm nghị lực hăng say nghiên cứu và tiếp tục đầu tư đẩy mạnh sản xuất phục vụ bà con nông dân. Thậm chí vào lúc cao điểm, sản phẩm phân bón Địa Long cung không kịp cầu.

 

Khống chế dịch bệnh, giúp cây hồ tiêu hồi sinh

    Ổn định ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Đỗ bắt đầu lặn lội lên Tây Nguyên để nghiên cứu thổ nhưỡng vùng đất đỏ bazan. Năm 2013, dịch bệnh “tiêu điên” bùng phát trên cây hồ tiêu ở Tây Nguyên gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân, có gia đình lâm vào cảnh nợ nần đói khổ. Với mong muốn sớm tìm ra giải pháp cứu chữa cây hồ tiêu, ông Đỗ đã nhiều lần đến các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai tiếp cận các vườn tiêu bị dịch bệnh để tìm hiểu và nghiên cứu thực địa.

Trên cơ sở đó, ông bắt đầu đưa ra giải pháp và hợp đồng cam kết với bà con nông dân để tiến hành khảo nghiệm. Ông mạnh dạn khẳng định với bà con nông dân nếu chữa bệnh chết nhanh chết chậm, “tiêu điên” cho cây hồ tiêu theo phương cách, quy trình của ông mà không hiệu quả thì ông sẽ chịu bồi thường gấp đôi chi phí cho bà con. Nhiều người nghe có vẻ ngạc nhiên, khó tin nhưng vì đã có hợp đồng rõ ràng nên họ cũng chấp nhận để ông Đỗ tiến hành công việc của mình. Qua thời gian thử nghiệm thành công, nhóm nông dân ở thôn 5, xã Ia HLốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã tạc tượng tôn vinh ông. Cũng từ đó, bà con nông dân ở Gia Lai thường gọi ông với cái biệt danh khá ấn tượng: “Người điên đi cứu tiêu điên”.

Nhóm nông dân xã Ia HLốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tạc tượng tôn vinh     ông Dương Hùng Đỗ

Có thể nói rằng, từ việc áp dụng quy trình chăm sóc khoa học kết hợp với bón phân Địa Long để khống chế thành công dịch bệnh cho cây hồ tiêu, thậm chí còn góp phần năng suất của cây tiêu, ông Dương Hùng Đỗ đã làm nên một kỳ tích khiến người nông dân trồng tiêu ở tỉnh Gia Lai không khỏi bất ngờ lẫn nể phục. Đến nay, nhìn chung cả vùng đất Tây Nguyên hầu như đều biết đến sản phẩm phân bón Địa Long của ông Đỗ. Và uy tín, vị thế thương hiệu Phân bón Địa Long trên thị trường ngày càng được khẳng định và nâng cao. Từ đó dẫn tới một hệ lụy khó tránh: phân bón Địa Long bị làm nhái, làm giả để “ăn theo” thương hiệu! Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh này không những đã gây tổn hại đến uy tín thương hiệu Phân bón Địa Long, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp mà còn là mối lo ngại của bà con nông dân nếu không may bị “tiền mất tật mang” do dùng phải những sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và đất đai. Để bảo vệ uy tín thương hiệu cũng như bảo vệ quyền lợi của nhà nông, ông Dương Hùng Đỗ đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương ra tay “dẹp loạn”. Hành trình bảo vệ thương hiệu Phân bón Địa Long tuy còn nhiều gian nan mệt mỏi nhưng ông vẫn kiên trì tiến bước vì đây là cuộc đấu tranh dài lâu.

Khi được hỏi về chất lượng sản phẩm của mình, ông Đỗ giải thích: Phân bón Địa Long được cấy bởi 3 loại vi sinh vật với hàm lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong việc phân chia tế bào tạo thành chất béo, thúc đẩy tạo ra rễ. Đặc biệt, khống chế và triệt phá các vi sinh vật có hại cho cây, kích thích cây phát triển. Phân bón Địa Long còn có tác dụng cải tạo đất chua, lọc phèn, lọc mặn xử lý các chất nhiễm độc và bổ sung các vi lượng cho đất, cung cấp thêm lượng vi sinh và khoáng chất làm thay đổi độ chua và đưa pH về trung tính.

Không chỉ dừng lại ở đồng bằng, miền núi, ông Đỗ còn mong muốn đưa sản phẩm phân bón Địa Long ra tận huyện đảo Trường Sa, góp phần phủ xanh hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, năm rồi ông đã gửi tặng quân dân Trường Sa 7 tấn phân bón phức hợp Địa Long. Đây là loại phân phức hợp mới có tác dụng thúc đẩy cây trồng sinh trưởng tốt, cải tạo đất, giải độc tố trong cây trồng bị nhiễm từ môi trường, khử mặn, khôi phục độ pH một cách tối ưu...

Có thể nói, hiện nay sản phẩm phân bón Địa Long đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo. Đây là niềm tự hào đồng thời cũng là nền tảng để ông Dương Hùng Đỗ vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như hội nhập quốc tế.

     Ông Dương Hùng Đỗ nhận quyết định thành lập Viện Công nghệ sinh học miền Nam

Với những thành quả ấy, các Nhà khoa học tích cực cùng Ông Đỗ thành lập Viện Công nghệ Sinh học miền Nam, trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam. Ngày 15-2-2015 vừa qua Viện chính thức làm Lễ Ra mắt, đại diện Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam là TS.Trần Việt Hùng - Phó chủ tịch đã trao giấy phép hoạt động và quyết định thành lập cho Viện Công nghệ sinh học miền Nam cho ông Dương Hùng Đỗ làm Chủ tịch Viện. Viện Công nghệ sinh học miền Nam ra đời nhằm mục đích hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp.

 

                             

Tin tức khác