Chi tiết bài viết

Nghệ thuật “né” tranh cãi

Chính não bộ là “thủ phạm” vì đây là nơi kích hoạt cảm giác ủy mị và phát sinh những cơn giận dữ không ngừng. Điều này lý giải vấn đề ngay cả các đôi hạnh phúc nhất cũng không tránh được chuyện tranh cãi đôi khi.

Tiến sĩ Bonnie Eaker Weil, tác giả cuốn “Make up, don’t break up” (Hãy hòa giải, đừng chia tay) nhận xét: “Tranh cãi có thể là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của cả hai khá bền vững và nồng nàn khi thoải mái thể hiện những cảm giác tiêu cực mà không chút ngại ngần”.

Dùng tai, không dùng miệng

Nếu tự thấy mình đang “nhai đi nhai lại” một vấn đề, hãy cố gắng “nhấn nút” tạm ngừng trong giây lát. Tiến sĩ Benjamin Karney, đồng Giám đốc Viện nghiên cứu các mối quan hệ tình cảm thuộc Đại học California ở Los Angeles, Mỹ, cho biết: “Những đôi không hòa thuận có khuynh hướng lặp lại lời nói vì cảm thấy đối phương không lắng nghe mình. Cách làm này không mang lại hiệu quả, thay vì bình tĩnh cùng nói chuyện thẳng thắn thì họ lại không ngừng cạnh khóe nhau”.

Không chỉ trích lẫn  nhau

Thông thường, cả hai bên rất mạnh miệng và to tiếng giữa lúc xảy ra tranh cãi. Vấn đề nằm ở chỗ: một khi thốt lên những lời cay cú, xúc phạm nhau, lòng tự ái sẽ bị tổn thương và lẽ đương nhiên, không điều gì có thể hàn gắn sau đó.

Theo một nghiên cứu được thực hiện tại trường Đại học Chicago, Mỹ, não bộ có khả năng lưu ý và chú trọng vấn đề tiêu cực hơn tích cực, khiến con người phản ứng nhay nhạy hơn trước những tin tức xấu hay chuyện không vui. Có lẽ phải cảm ơn tổ tiên chúng ta vì những người thượng cổ sống sót sau cuộc truy sát của thú dữ hay bộ tộc khác đều dựa vào khả năng tránh xa các mối nguy, vì thế não bộ đã phát triển các phương thức tự vệ và không bỏ sót bất kỳ mối đe dọa nào.

Đó là nguyên nhân bạn cần giảm tối đa tác động tiêu cực của lời nói. Hãy nhớ rằng mục đích của tranh luận không phải là khiến cho đôi bên khó chịu mà là cùng nhau giải quyết rắc rối. Vì vậy, thay vì chỉ trích “Anh lười quá đi”, nên nói cho chàng biết bạn cảm thấy thế nào trước hành động của chàng, chẳng hạn như “Nhiều lúc em thấy mệt vì cứ phải sắp đặt mọi thứ đâu vào đó cho hai đứa mình, anh giúp em nhé”.

Đừng cố giành phần thắng

Kết thúc cuộc tranh cãi, không hề có kết quả thắng/thua khi một trong hai lui vào phòng ngủ và chôn chặt cảm giác tổn thương sâu sắc. Karney cho biết thêm: “Chúng ta thường cố gắng xác định xem ai đúng ai sai và quên mất việc cần tìm ra cách xử lý rắc rối”. “Mâu thuẫn được giải quyết nhanh chóng và thành công hơn khi không bên nào thấy mình bị buộc phải tuyên bố: Thấy chưa, anh/em đúng mà!”.

Với những đôi mới bắt đầu chung sống, nên tìm hiểu một số điểm đồng thuận giữa hai bên (ngay cả khi như thế đồng nghĩa với chuyện bạn phải thừa nhận có lẽ mình đã gửi cho chàng quá nhiều tin nhắn trong lúc anh ấy ra ngoài gặp gỡ bạn bè). Tiếp theo, bạn hãy tập trung tìm ra giải pháp hòa bình. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Em biết anh khó chịu vì em gửi tin nhắn liên tục, nhưng em thấy lo khi không thấy anh ừ hử gì hết. Mình hãy tìm cách giải quyết chuyện này sao cho ai cũng thấy thoải mái nha”. Với cách đó, hiểu lầm lẫn chuyện phản kháng như trẻ con sẽ không khiến bạn đau đầu nữa.

Hãy nhớ “hai là một”

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hôn nhân và Gia đình, nếu có thể bộc lộ những cảm xúc tích cực trong lúc cãi nhau, mối quan hệ giữa cả hai sẽ tốt đẹp hơn trong khoảng 2-3 năm sau đó. Karney cũng nói thêm rằng “Khi các đôi có những cử chỉ gần gũi, thân mật (chạm tay hoặc má) trong lúc giao tiếp hay nói gì đó hài hước giữa lúc cơn giận lên đến đỉnh điểm, tác động của lời nói khó chịu, cộc cằn sẽ giảm đi đáng kể”. “Những tương tác tích cực chứng tỏ cả hai vẫn yêu nhau và trân trọng mối quan hệ này ngay tại thời điểm tồi tệ nhất”.

Theo một cuộc nghiên cứu được thực hiện ở Đại học California tại Berkeley, Mỹ, các đôi trêu chọc nhau nhẹ nhàng trong thời gian xung đột sẽ thấy yêu nhau hơn khi cơn bất đồng. Hãy gọi nhau bằng những biệt danh khôi hài dành nửa kia thử xem. Bạn chỉ cần tránh những câu nói có thể tổn thương đến lòng tự trọng như nhận xét tiêu cực về trí óc, chuyện vệ sinh cá nhân hay hành động không bình thường khi ngủ.

Đừng quên điều bí ẩn tuyệt vời sau: Bạn vẫn yêu chàng tha thiết ngay cả khi có đôi lúc chàng khiến bạn bực đến phát điên. Hãy ghi nhớ điều này vì sau những giờ phút bất bồng, cả hai vẫn luôn bên nhau nồng đượm đấy thôi.

Tin tức khác