Chi tiết bài viết

Chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho người cao tuổi

Tuổi càng cao khối cơ bắp càng giảm, ảnh hưởng đến sự linh hoạt làm cho người già thường mất thăng bằng và dễ ngã. Khối lượng cơ còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa, nhất là chuyển hóa glucose, do đó việc duy trì khối lượng cơ rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe người cao tuổi.

Tiêu hóa ở người già kém, thường do giảm tiết dịch dạ dày, ảnh hưởng đến hấp thu vitamin B12, acid folic, calci, sắt và kẽm. Người già thường ăn ít kéo theo sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng so với nhu cầu và khó điều chỉnh lại cân bằng sau khi mắc bệnh. Thiếu vitamin và khoáng chất có thể làm giảm khả năng nhận thức.

Chức năng khứu giác và vị giác giảm có thể gây rối loạn hành vi ăn uống. Thị giác suy giảm thường gặp là do đục nhân mắt, các thức ăn chứa chất chống oxy hóa(vitamin A, C, E) bảo vệ, ngăn chận quá trình đục nhân mắt này. Tổng hợp Vitamin D ở da giảm trong khi lượng Vitamin D ăn vào không đủ góp phần dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Chức năng miễn dịch giảm dần, hơn nữa suy dinh dưỡng protein, thiếu kẽm, thiếu vitamin B6 và chế độ ăn thiếu chất chống oxy hóa thường gặp ở người già càng gây bất lợi đến chức năng miễn dịch, do đó dễ bị nhiễm khuẩn. Người cao tuổi có thể có rối loạn chuyển hóa mỡ. Một chế độ ăn có hàm lượng cholesterol cao sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên với chế độ ăn và lối sống hợp lý vẫn có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh.

Trong bữa ăn của người cao tuổi cần có các món sau:

  • 1. Hỗn hợp thức ăn đạm-béo

    Nên ăn cá, thủy sản, đậu phụ và đậu các loại, đậu phụng, mè. Các thức ăn này có nhiều protein, chất béo, đặc biệt là acid béo không no rất tốt cho việc phòng chống tăng cholesterol.

  • 2. Ăn nhiều rau tươi, trái cây

    Là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất chống oxy hóa. Ngoài ra còn cung cấp chất xơ chống táo bón là triệu chứng hay gặp ở tuổi già do kém hoạt động thể lực, nhu động ruột kém. Nên uống nhiều sữa để phòng tránh loãng xương, sữa chua rất tốt cho mọi lứa tuổi đặc biệt là tuổi già.

  • 3. Tránh ăn nhiều đường, muối, thịt động vật

     Ăn thức ăn mềm và nên có món canh trong bữa ăn vì tuyến nước bọt và bộ răng của người già hoạt động kém. Chú ý nhu cầu năng lượng của người già giảm nên cần giảm lượng thức ăn so với thời trẻ, chú ý theo dõi cân nặng, tránh vượt cân nặng nên có. Tránh ăn quá no, đặc biệt khi có bệnh tim mạch. Nên uống nhiều nước ít nhất 1-2 lít/ngày, hạn chế uống rượu, nên uống nước hoa quả thường xuyên.

    Lời khuyên & Cảnh báo

    Những người mắc các bệnh mãn tính liên quan đến ăn uống như tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, thống phong… nên có chế độ ăn thích hợp theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.

    Tập thể dục đều đặn và vận động hợp lý làm duy trì sức bền của cơ, ngoài ra còn làm sảng khoái, mạnh khỏe, tự tin, tăng trí lực và thể lực, ổn định huyết áp, giảm lượng mỡ thừa, cải thiện chức năng hô hấp tuần hoàn… tuy nhiên cần tập nhẹ nhàng để tránh té ngã. Nên chọn loại hình vận động phù hợp với tuổi tác và sức khỏe. Vận động được xem là tốt khi: Không thấy mệt và nhịp tim không quá "180-tuổi".

 

Tin tức khác