Chi tiết bài viết

Bí quyết “tăng trọng” trong giao tiếp công sở

Dưới đây là 6 sai lầm mà dân công sở thường mắc phải khi vận dụng “ba tấc lưỡi” trình bày các vấn đề liên quan đến công việc, trong xã giao thường ngày với đối tác và đồng nghiệp, hoặc thậm chí là trong các buổi phỏng vấn xin việc dù bạn đã chuẩn bị rất kỹ. Chỉ cần khắc phục được những điểm này là bạn đã có thể “tăng trọng” hiệu quả cho lời nói của mình.

 

1. Nói mà như không nói

Những từ đệm như “ừ”, “à”, “anh/chị biết đấy”, “ờ thì”, “đại khái” khiến người đối diện cảm thấy bạn chưa chuẩn bị kỹ cho phần trình bày của mình. Chiến lược cho bạn là cần suy nghĩ kỹ, tổ chức ý trong đầu trước khi nói, tạm dừng và hít thở nhẹ nhàng khi bạn quên ý. Mọi người đều đôi khi đệm từ “ừ, à” trong giao tiếp, nhưng đừng để tần suất của chúng xuất hiện quá nhiều trong lời nói của bạn.

2. Lên giọng

Nhiều người có thói quen lên giọng hoặc nhấn nhá cuối câu – điều này tạo ấn tượng rằng bạn đang bày tỏ thắc mắc, hoặc muốn đặt câu hỏi chứ không phải đang trình bày một vấn đề nào đó. Bạn cần phải nói một cách thuyết phục, hạ giọng vào cuối câu để tăng tính khẳng định, nhất là trong các buổi phỏng vấn hay thương lượng.

3.Lỗi ngữ pháp

Trong giao tiếp thông thường thì không sao nhưng trong các buổi phỏng vấn hoặc trao đổi quan trọng, bạn không nên sử dụng tiếng lóng, phương ngữ quá nhiều hoặc dùng từ sai ngữ pháp, ngữ cảnh. Đảm bảo rằng bạn nói gãy gọn, thành câu, không nói cụt, nói sai.

4. Nói líu nhíu

Kiểu nói chắp nối từ này ngữ kia, líu nhíu trong miệng khiến thông điệp của bạn mất đi tính rõ ràng. Để tránh tình trạng này, bạn nên nói chuyện từ tốn, chậm rãi. Nếu được, bạn có thể tạo danh sách các từ bạn thường phát âm sai và tập luyện lại.

5. Nói như tên bắn

Nhiều người lại nói ào ào, với tốc độ như tia chớp vì họ nghĩ như thế mới tỏ ra mình nhanh nhạy trong giao tiếp. Tuy nhiên, người nghe rất khó theo kịp những gì bạn nói và họ thường nghĩ điều ngược lại: bạn đang hồi hộp. Hãy làm giảm nhịp điệu lại bằng cách thực hiện các bài tập thở trước các cuộc đối thoại quan trọng. Để tránh hấp tấp, cần lắng nghe kỹ các vấn đề, đếm từ 1 đến 3 rồi mới nêu ý kiến của mình, sau đó tạm ngừng một chút rồi hãy tiếp tục. Đừng sợ sự im lặng, đó cũng là một chiến thuật giao tiếp. Người nghe cần thời gian để “tiêu hóa” những gì bạn vừa mới trình bày.

6. Dùng từ “nhẹ cân”

Những từ như “có lẽ”, “hy vọng là”, “dường như”, “đại khái”, “chắc là”  khiến sự tự tin trong lời nói của bạn giảm sút. Hãy dùng các từ mạnh mẽ hơn như “Tôi tin là”, “Tôi đã xem kỹ là chắc chắn là”, “Mục tiêu của tôi là”,... nhằm tạo ấn tượng mạnh với người nghe, tăng tính thuyết phục cho nội dung thông điệp chuyển tải.

 

 

 

 

 
Tin tức khác