Chi tiết bài viết

7 thói quen của những người cực kỳ đáng mến

Khi bạn gặp ai đó, sau câu chào quen thuộc, bạn thường chẳng biết nói gì nữa. Những câu chuyện xã giao không phải là sở trường của bạn. Bạn rụt rè, bất an và năm phút đầu tiên ấy quả là khó khăn. 

Dĩ nhiên bạn muốn tạo ấn tượng tốt. Bạn muốn mọi người thật sự thích mình. Với những người dễ gây cảm tình, họ sẽ làm như sau:

1. Bỏ thái độ quan cách, trịnh thượng 

Từ bé, bạn đã được dạy là phải đứng thẳng, không so vai, bước đi một cách tự tin, giảm bớt âm lượng khi nói, nắm chặt tay khi bắt.

Thể hiện được vẻ tự tin bên ngoài là điều tuyệt vời nhưng nếu làm quá, bạn dễ khiến người ta có cảm giác bạn đang cố tỏ ra mình quan trọng. Điều này không ai thích cả.

Dù người đối diện của bạn có khiến bạn lu mờ đến mức nào thì cũng đừng lo lắng. Hãy thử bắt chước cách Nelson Mandela và Bill Clinton chào hỏi nhau.
Clinton bước một bước về phía trước (tránh vẻ trịch thượng kiểu “đối tác phải đến với ta trước”); Mandela cũng tiến đến, mìm cười và hơi cúi mình (dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ sự tôn kính và trọng vọng trong mọi nền văn hóa); Clinton cũng mỉm cười và hơi cúi mình. Trước mắt bạn là hai yếu nhân đang gạt sang một bên mọi cấp bậc xã hội và uy quyền của mình. Tất cả những gì còn lại là thái độ chân thành. 

Lần tới, khi gặp ai đó, bạn hãy thả lỏng mình, bước tới, hơi cúi đầu, mỉm cười một cách nhún nhường để đối tác thấy vẻ vinh dự của bạn khi được gặp họ.

Tất cả chúng ta đều mến những người mến mình. Nếu tôi tỏ ra là mình thật sự mừng rỡ khi gặp bạn, lập tức bạn sẽ thấy mến tôi. Và khi bạn thể hiện điều đó, tôi sẽ bình tĩnh trở lại và thấy thoải mái hơn.

2. Phát huy ngôn ngữ cơ thể 

Việc đụng chạm trong giao tiếp có thể rất rất hữu ích. (Đụng chạm trong những trường hợp khác thì tôi không dám nói). Một cái chạm tay có thể làm xoay chuyển thái độ, tăng độ thân thiện và gần gũi của người chạm và cơ may người được chạm sẽ dễ khuất phục hơn.

Thoải mái, tự nhiên vỗ nhẹ vào phần cánh tay gần vai hoặc vai của đối tác. Đừng mạnh quá hay gượng gạo quá, nó sẽ khiến đối tác thấy e dè. 

Hãy nhìn cách Clinton dùng tay phải để bắt, tay trái chạm vào cẳng tay của Mandela chỉ một giây sau đó. Rồi hãy nhìn dáng vẻ và nụ cười của Clinton và thử nói xem liệu như thế có tý nào là giả dối hay làm điệu bộ không?

Bạn nghĩ làm thế cũng không ăn thua? Thử cách này: Tiến về phía người bạn biết từ phía sau, chạm nhẹ tay vào vai họ khi họ đi qua. Thế là bạn đã chào người ta với thái độ chân thành đấy. 

Đụng chạm làm xóa đi những ranh giới và khoảng cách giữa bạn và người kia. Nó là yếu tố tối quan trọng giúp bạn trở thành người thân thiện và dễ mến.

3. Tung ra những ngón đòn lợi hại

Bạn gặp ai đó, nói chuyện tới 15 phút và khi giã biệt, bạn thầm nghĩ “Chà, mình có cuộc nói chuyện hay quá. Cô ấy thật là tuyệt vời”.

Rồi khi nghĩ lại, bạn nhận ra mình chẳng biết được gì về người đó.

Những người dễ mến là những bậc thầy về Jui-Jitsu xã hội (SJJ)– đây là một nghệ thuật giao tiếp cổ xưa, khi người nói chuyện với bạn dùng nghệ thuật này, họ sẽ làm bạn sẽ vô tình tuôn ra hết mọi thứ về mình. Các bậc thầy SJJ sẽ rất thích thú với mọi đường đi nước bước của bạn khi xây dựng một bảng phân tích thông minh, mọi quyết sách của bạn khi bạn biến 200 trang PowerPoint thành một bài trình bày tuyệt vời hay bất cứ thứ gì khác mà bạn nói ra… 

Các bậc thầy SJJ sẽ tận dụng sự chăm chú, lịch sự, khéo léo, tế nhị của họ để ‘bỏ bùa’ bạn. Đó là cách họ khiến bạn thích họ. 

SJJ không khó. Chỉ cần bạn đặt đúng câu hỏi. Để đối tác mặc sức nói, mặc sức trải lòng. Hãy hỏi: ai? tại sao? như thế nào?.

Khi đã biết chút ít, lập tức hỏi người nói làm thế nào họ làm được thế. Hay tại sao họ làm thế. Hay họ rút ra được gì từ việc đó. Hay nếu bạn rơi vào tình huống tương tự, lời khuyên của họ là gì.

Không ai là không có nhu cầu được hiểu, cảm thông hay khen ngợi. Đặt ra những câu hỏi đúng là cách bạn chứng tỏ mình tôn trọng ý kiến của người kia – hay nói rộng hơn là con người của người kia. 

Chúng ta luôn thích những ai biết tôn trọng mình dù chỉ qua việc họ dùng những lời lẽ có lý có tình.

4. Biết nhún

Mọi người ai cũng có điểm nào đó giỏi hơn bạn. Vậy cứ cho họ giỏi hơn bạn đi.

Sai lầm của nhiều người là biến cuộc nói chuyện thành một cuộc tỷ thí xem ai ‘ngon’ hơn ai. Đừng làm thế. Hãy nhún nhường. Hãy buông lời khen ngợi. Hãy tỏ ra ấn tượng. Hãy nhận nếu bị chê là kém cỏi.

Nhận nhưng không nhất thiết đồng nghĩa với việc bạn ‘vạch áo cho người xem lưng’. Nếu người kia nói: “Tôi vừa mua một cái nhà rộng hơn”, hãy nói: “Hay thế. Thú thực là tôi đang ghen tỵ với anh đấy. Tôi cũng muốn kiếm một cái mãi mà chưa có tiền. Làm thế nào mà anh làm được thế?"

Đừng ngại tỏ ra yếu kém một chút. Sự giả tạo có thể làm mọi người ấn tượng trong giây lát nhưng sự chân thành mới là thứ ai cũng muốn.

Hãy là chính bạn. Đó là điều khiến người khác thích bạn.

5. Không xin xỏ, nhờ cậy

Bạn đang trò chuyện vui vẻ và tìm thấy nhiều điểm chung với người kia. Và rồi đùng một cái, bạn nhận ra tất cả chỉ là …‘bài vở’. 

Mọi cảm nhận của bạn bỗng thay đổi 180 độ.

Bỏ qua những mưu mô, thực dụng trong con người bạn. Nếu bạn buộc phải nhờ vả ai, hãy tìm cách giúp người đó trước đã rồi mới hỏi liệu người ta có thể giúp mình không. 

Những người cực kỳ dễ mến là những người luôn để tâm xem họ có giúp được bạn không – chứ không phải giúp chính họ.

6. ‘Kết thúc’ chân thành

Khi chia tay, bạn gật đầu nói ‘Rất vui được gặp anh’. Cách này quá thường và không để lại dư âm gì hết. 

Thay vào đó, hay làm như lúc ban đầu mới gặp. Hãy bắt tay lần nữa, một tay chạm nhẹ vào cẳng tay hoặc vai người kia. Hãy nói “Thật sự tôi rất vui được nói chuyện với anh”. Hoặc nói “Anh biết không, tôi rất thích nói chuyện với anh”. Hãy mỉm cười một cách cảm kích, đừng ngoác miệng giả tạo ra như một gã bán hàng câu khách, hãy nói “Chúc một ngày tốt lành!”.

Tạo ra ấn tượng ban đầu quan trọng bao nhiêu thì tạo ra ấn tượng sau cùng cũng quan trọng bấy nhiêu.

7. Chấp nhận khó khăn

Tất cả những điều trên nghe thì dễ nhưng làm mới khó, nhất là khi bạn rụt rè. Bạn chỉ thấy tự tin khi tạo cho mình vẻ trịch thượng và nói những câu vụng về ‘Chào, anh đi đâu đấy? Tạm biệt nhé. Gặp sau nhé”.

Nhưng làm thế thì chẳng ai có thể thích bạn.

Vậy nên hay chịu khó một chút. Biết cung kính hơn, chân thành hơn, cảm kích hơn và tỏ ra kém cỏi hơn là hơi quá ngưỡng của bạn, song hãy chấp nhận điều đó. 

Khi bạn làm người khác cảm thấy bản thân họ cũng không đến nỗi nào, họ sẽ thích bạn.

Khi họ thích bạn, bạn cũng sẽ cảm thấy mình không đến nỗi nào và trở nên tự tin hơn.

 

 

Tin tức khác